Khi Chưa có Điện Đường Sài Gòn Xưa Được Thắp Sáng Như Thế Nào?
Những cột đèn đường sáng lấp lánh làm tôi liên tưởng và thắc mắc không biết ngày xưa thuở chưa có điện hay nhà đèn thì những cột đèn đường xưa được thắp sáng ra sao?
Được biết, những năm 1865 khi mà Sài Gòn có nhiều ngôi làng nhỏ tập trung chủ yếu ở rạch Bến Nghé, dài khoảng 15 cây số với 24 con đường lớn nhỏ. Chính vì sự tập trung khá nhiều người như vậy nên có một vấn đề phát triển dân sinh cần được giải quyết đó là giúp người dân đi lại dễ dàng hơn trong bóng tối thắp sáng đường sá ban đêm. Thể theo đề nghị của P. Vial, Phủ thống đốc Nam Kỳ ban hành một nghị định yêu cầu cư dân địa phương phải tự thắp sáng ngõ ra vào cửa nhà của mình.
Năm 1869 bắt đầu nảy sinh vấn đề chọn lựa chất thắp sáng nào là tối ưu. Năm tháng sau đó, báo cáo của các viên chức chỉ huy khẳng định việc thắp sáng bằng dầu hỏa tối ưu hơn việc dùng dầu dừa. Vì thế ngày 1-4-1870 hội đồng quyết định dùng dầu hỏa thắp sáng đèn công cộng. Đến năm 1876, cả thành phố Sài Gòn có 255 cột đèn gồm 200 cây bằng gang, số còn lại bằng gỗ.
Năm 1888, đề nghị điện khí hóa được nêu ra trong phiên họp ngày 20/1. Có 2 đề nghị, trong đó đề nghị thứ nhất là của Rouyer cho thắp sáng Nhà hát thành phố. Đề nghị thứ hai là thắp sáng con đường nhỏ nối 2 đường Rigault de Genouilly (đường Nguyễn Huệ ngày nay) và đường Catinat (đường Đồng Khởi ngày nay) được nêu ra bởi Carabelli.
Mãi cho đến năm 1893, đèn điện mới được đem ra bàn luận. Trung tâm Sài Gòn được thắp sáng bằng 393 bóng đèn điện Edison. Còn những phố khác được thắp bằng 571 đèn dầu lửa, lần này đèn dầu đã được hiện đại hơn. Tuy nhiên bóng đèn Edison lại mang đến kết quả tốt hơn so với bóng đèn mà Ferret đã thắp thử trước đó.
Vào thế kỷ XX, một số con đường ở thành phố Sài gòn như mở ra một chân trời mới khi đường phố được thắp đèn đường sáng rõ khắp con đường. Sài Gòn có đến 867 bóng điện nóng, 67 đèn нồ quang. Điều này cho thấy Sài Gòn đã mở đầu một thành phố phát triển bậc nhất lúc bấy giờ.
Ảnh sưu tầm nhiều nguồn.