Có những đêm dài, anh ngồi nhìn hỏa châu rơi
Nghe vùng tâm tư cháy đỏ xoay ngang lưng trời
Những đóm mắt hỏa châu bừng lên trong màn tối
Như mắt em sáng ngời, theo anh đi ngàn lối
Những đêm không ngủ anh ngồi tâm sự cùng hỏa châu rơi..
Ôi đẹp làm sao, màu hỏa châu
Đêm đêm tô son, tô phấn những con đường
Ôi những con đường mang nặng đau thương.
Cho anh nhận diện quê hương giữa đêm đen buồn
Bằng những giòng sông chảy xuôi đêm trường
Ôi những giòng sông nhẫn nhục đau thương.
Dưới ánh châu hồng, anh ngồi gọi thầm tên em
Mơ một ngày mai pháo nổ vang trên lối về
Những đóm mắt hỏa châu là hoa đăng ngày cưới
Khi chiến chinh hết rồi, tương lai ta tìm tới
Có nhau trong đời đêm trường không sợ lạc loài yêu thương…
Thời đó vào buổi tối, mỗi lần hỏa châu bắn lên cao làm rực sáng một vùng trời, giao tranh diễn ra ác liệt, nhưng cũng có lúc không gian im lặng trong một bầu không khí đáng sợ rình rập của cuộc chiến. Hình ảnh những ngọn hỏa châu lung linh trong đêm vắng “ bừng lên trong đêm tối, như mắt em sáng ngời”, soi rõ cánh đồng, con sông và cảnh vật xung quanh để “ cho anh nhận diện quê hương giữa đêm đen buồn”.
Và trong giờ phút người lính vẫn lãng mạn mà mơ tưởng tới người yêu “gọi thầm tên em” và “ những đóm mắt hỏa châu là hoa đăng ngày cưới”… Thật là không có óc tưởng tượng thi vị tình tứ nào hơn.
Trong đêm hỏa châu bắn thì sáng hôm sau , trẻ con đi lượm những chiếc dù rơi xuống đất sau khi đã chuyên chở trái đạn chiếu sáng bầu trời mà bày ra trò chơi thả dù. Những người sống trong thành phố lớn như Sài Gòn không bao giờ thấy cảnh hỏa châu rực sáng bầu trời trong đêm; nhưng những người miền quê hay phố nhỏ thì khi nghe bản Những Đóm Mắt Hỏa Châu là cả một khung trời kỷ niệm hiện về. Cái cảnh đó vừa đẹp, vừa thơ mộng, vừa hồi hộp, vừa lo sợ . Nhưng đối với người lính chiến, tác giả vẽ ra nét thơ mộng đặc biệt.
Giai điệu ngọt ngào, điệu Bolero nhịp nhàng, lời ca thi vị, ý tưởng lạ, nhạc sĩ Hàn Châu đã viết nên ca khúc Những Đóm Mắt Hỏa Châu, đầu thập niên 1970. Người viết xin tặng danh hiệu “bài hát thời chiến tranh lãng mạn nhất”.
Trần Chí Phúc