Nam Kỳ Lục tỉnh là tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn độc lập, tức là khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862. Đương thời, Nam Kỳ Lục Tỉnh được gọi bằng cái tên Basse-Cochinchine (tức là Hạ Đàng Trong).
Vào năm Mậu Dần (1698) chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập phủ Gia Định. Năm Nhâm Tuất (1802) vua Gia Long đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định, đến năm Mậu Thìn (1808) đổi tên trấn Gia Định ra Gia Định Thành gồm 5 trấn là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên.
Năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn, 1832), vua Minh Mạng bãi bỏ Gia Định Thành, đổi các trấn thành tỉnh, chia 5 trấn của Gia Định Thành trước đây thành 6 tỉnh:
Phiên An: sau đổi thành Gia Định: tỉnh lỵ là tỉnh thành Gia Định. Gồm các phủ Tân Bình (Sài Gòn), Tân An (Vũng Gù), Tây Ninh, Hòa Thạnh.
Biên Hòa: tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa. Gồm Phước Long (Dô Sa), Phước Tuy (Mô Xoài).
Định Tường: tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho. Gồm các phủ Kiến An (chợ Cai Tài), Kiến Tường (Cao Lãnh).
Vĩnh Long: tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long. Gồm các phủ Định Viễn (Vĩnh Long), Hoằng An, Lạc Hóa (Chà Văng hay Chà Vinh).
An Giang: tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc. Gồm các phủ Tuy Biên, Tân Thành, Ba Xuyên.
Hà Tiên: tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên. Gồm các phủ An Biên, Khai Biên, Quảng Biên, Tĩnh Biên.
Hai năm sau, vùng Lục tỉnh thuộc Gia Định Thành trước đây được gọi chung là Nam Kỳ. Từ đó có tên gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh.
Trong dân gian, còn chia thành ba tỉnh miền Đông gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và ba tỉnh miền Tây gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Nghị định ngày 16 tháng 1 năm 1899, đổi tên hạt thành tỉnh (province), và từ ngày 1 tháng 1 năm 1900, toàn cõi Nam Kỳ chia thành 20 tỉnh như sau:
Tỉnh Gia Định (cũ) chia thành năm tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh, Gò Công.
Tỉnh Biên Hòa (cũ) chia thành ba tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một.
Tỉnh Định Tường (cũ) đổi thành Mỹ Tho.
Tỉnh Vĩnh Long (cũ) chia thành ba tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh.
Tỉnh An Giang (cũ) chia thành năm tỉnh: Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Sóc Trăng, Cần Thơ.
Tỉnh Hà Tiên (cũ) chia thành ba tỉnh: Hà Tiên, Rạch Giá, Bạc Liêu.
Ngoài ra còn có 3 thành phố độc lập là Sài Gòn, Chợ Lớn và Cap Saint Jacques không thuộc hạt nào.
Chia lại đất Nam Kỳ thành 21 tỉnh, có lẽ Pháp muốn xóa nhòa hai chữ Lục tỉnh trong lòng người Việt, cũng là cách cắt đứt lòng lưu luyến với truyền thống. Nhưng dân Nam Kỳ vẫn hoài vọng Lục tỉnh. Mãi đến thập niên 50 và 60, ở miền Nam cũng còn nói, nhắc đến hai chữ Lục tỉnh xa xưa này. Pháp bỏ tên Lục tỉnh nhưng còn giữ lại hai chữ Nam Kỳ, gọi là Cochinchine, phân biệt với Bắc Kỳ là Tonkin, Trung Kỳ là Annam. Cũng giống như người Việt quen gọi TP. HCM là Sài Gòn.
Ảnh sưu tầm nhiều nguồn.