Từ xa xưa do chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nắng và mưa nhiều, tổ tiên ta đã biết sáng chế ra chiếc nón lá. Nó được lấy lá kết vào nhau để làm vật dụng đội lên đầu che nắng che mưa. Từ các bà các mẹ đội nón đi chợ, người nông dân làm việc trên nương, những em bé chăn trâu trên đồng cho đến những cô nữ sinh khi bước chân đến trường… họ đều đội nón lá. Dần dần chiếc nón lá đã hiện diện như một vật dụng cần thiết trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Rồi từ đó đi vào thơ ca và âm nhạc.
Một bài nhạc vàng khác là Người Em Vỹ Dạ, nhạc sĩ Minh Kỳ mô tả cô nữ sinh Đồng Khánh e ấp đôi mắt biếc dưới vành nón lá ngày ngày cắp sách đến trường.
Nón lá che khuất mắt biếc
Cắp sách sớm trưa chiều
đi học Ðồng Khánh qua cầu Trường Tiền
Trong ca khúc “Chuyện một chiếc cầu đã gãy” của Trầm Tử Thiêng được sáng tác năm 1968, tác giả đã gửi gắm vào bài hát một câu chuyện buồn. Khi nhắc về quá khứ, không có một người con xứ Huế nào có thể quên. Hình ảnh nón lá nhỏ bé lại mang nỗi buồn to lớn, nó đại diện cho những người người dân mang nỗi hoài niệm và chỉ để tưởng nhớ.
Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài.
Huế Xưa của nhạc sĩ Anh Bằng cũng nhắc đến nón lá với hình ảnh rất đẹp hình ảnh người con gái xứ Huế nón ʟá che nghiêng khiến cá cũng phải “liếc nhìn ngẩn ngơ”, “lũ chim quyên” cũng phải “ngất ngây từ xa” mới đẹp và dịu dàng làm sao.
Tôi có người em sông Hương núi Ngự,
của lũy tre Thôn Vỹ hiền từ, của kinh thành cổ xưa thật xưa.
Buổi trưa em che nón lá, cá Sông Hương liếc nhìn ngẩn ngơ,
lũ chim quyên ngất ngây từ xa.
Trong ca khúc nổi tiếng nhất mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác sau năm 75 Chiếc Áo Bà Ba. Bất cứ người dân nam bộ hầu hết đều biết đến bài hát này với niềm tự hào tha thiết và sâu sắc nhất. Nón lá cùng áo bà ba đã tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng của phụ nữ Nam Bộ,
Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm.
Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh.
Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ.
Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời…
Trong một ca khúc khác sau năm 1975 của nhạc sĩ Khánh Băng cũng vẽ lên hình ảnh rất đẹp về người con gái ngóng chờ người yêu, lại là nó lá nghiêng nghiêng thẩn thờ trên đường đê mới đẹp và ray rức làm sao.
Một người con gái đứng nghiêng nghiêng vành nón lá
Đường chiều bờ đê lối xưa kỷ niệm thiết tha…
Trong bài Quê Hương của Giáp Văn Thạch phổ thơ Đõ Trung Quân cũng nhắc về nón lá của mẹ thật đẹp, chỉ bấy nhiêu thôi cũng là quê hương.
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm.
Chiếc nón lá thường được đan bằng các loại lá khác nhau như lá cọ, lá buông, rơm, tre, lá cối, lá hồ, lá dứa, lá du quy diệp dùng để làm nón v.v… nhưng chủ yếu làm bằng lá nón. Nón thường có dây đeo làm bằng vải mềm hoặc nhung, lụa để giữ trên cổ.
Nón thường có hình chóp nhọn được xếp trên một cái khung gồm các nan tre nhỏ uốn thành hình vòng cung, ghim lại bằng sợi chỉ, hoặc các loại sợi tơ tằm, sợi cước. Nan nón được chuốt thành từng thanh tre mảnh, nhỏ và dẻo dai rồi uốn thành vòng tròn có đường kính to nhỏ khác nhau thành những cái vành nón. Để làm ra một chiếc nón lá người thợ thủ công lấy từng chiếc lá, làm cho phẳng rồi lấy kéo cắt chéo đầu trên, rồi lấy kim xâu chừng 24-35 chiếc lá lại với nhau cho một lượt sau đó xếp đều trên khuôn nón. Lá nón mỏng và cũng dễ hư khi gặp mưa nhiều nên các thợ thủ công đã tận dụng bẹ tre khô để làm lớp giữa hai lớp lá nón làm cho nón vừa cứng lại vừa bền.
Nón lá ngày nay ít sử dụng hơn bởi đô thị hóa ở thành thị và nông thôn, nón lá không còn phù hợp nữa. Nón lá chỉ còn được nhìn thấy ít nhiều đâu đó ở thôn quê, ở trong âm nhạc tranh vẽ hay trong ký ức của chúng ta mà thôi…
Ảnh Sưu Tầm Nhiều Nguồn.