Thảo Cầm Viên, Ký Ức Một Thời Của Thiếu Nhi Sài Gòn Xưa
Là công viên bảo tồn động vật – thực vật ở Sài Gòn, Việt Nam. Đây là vườn thú lâu đời đứng hàng thứ tám trên thế giới. Ngày 23 tháng 3 năm 1864, Chuẩn đô đốc Pierre-Paul de La Grandière ký nghị định cho phép xây dựng Vườn Bách Thảo tại Sài Gòn. Ngay sau đó, Louis Adolphe Germain, một bác sĩ thú y của quân đội Pháp, được giao nhiệm vụ mở mang 12 ha trên vùng đất hoang ở phía đông bắc rạch Thị Nghè để làm nơi nuôi thú và ươm cây. Tháng 3 năm sau (1865) thì một số chuồng trại đã xây xong.
Để biến nơi này thành nơi nuôi trồng các loài động vật, thực vật của toàn Đông Dương, vừa để trưng bày, vừa để cung cấp cây giống cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia và trồng dọc theo các trục lộ ở Sài Gòn. Viên Thống đốc Nam Kỳ nhận thấy cần phải có người giỏi chuyên môn hơn, nên đã mời J. B. Louis Pierre, người phụ trách chăm sóc thực vật của Vườn bách thảo Calcutta (Ấn Độ), sang làm giám đốc vào ngày 28 tháng 3 năm 1865.
Cuối năm 1865, Vườn Bách Thảo được nới rộng đến 20 ha. Sang năm 1924, khuôn viên sáp nhập thêm bên bờ bắc rạch Thị Nghè 13 ha nữa. Và cũng trong năm đó, nhờ sự vận động của một viên chức Pháp tại Nhật, chính phủ Nhật đã cung cấp cho Vườn Bách Thảo khoảng 900 giống cây lạ.
Vào thời điểm này, chi phí hàng năm của Vườn Bách Thảo là 30.000 quan Pháp/năm. Nhờ mối quan hệ hợp tác, trao đổi, mua bán với nhiều vườn động thực vật và các tổ chức khoa học quốc tế, bộ sưu tập động vật của Thảo Cầm Viên Sài Gòn ngày một thêm phong phú.
Bên cạnh các loài thú như: Khỉ, Gấu Ngựa, Gấu Chó, Hổ Đông Dương, Báo hoa mai, Báo lửa, Sư tử, Tinh tinh, Ngựa vằn, Linh dương, Hươu, Nai, Heo Rừng, Nhím, Rùa, Rái cá, Voi, Tê giác trắng, Cá sấu hoa cà, Trăn đất, Công… Nhiều loài động vật mới lạ đã xuất hiện tại Thảo cầm viên như: Vượn cáo, Bò tót, Sói xám, Sói đỏ, Hà mã, Báo đốm Mỹ, Đà điểu châu Phi, Hồng hạc, Đười ươi, Hươu cao cổ…
Tuy ở chốn thị thành, nhưng không khí ở đây khá trong lành với tiếng thú, tiếng chim muông cùng vô vàn cây xanh, hoa đẹp… Tuy nhiên, những năm gần đây, có nhiều thông tin cho rằng hổ ở Thảo cầm viên bị bỏ đói, bị cắt xén khẩu phần ăn, tê giác bị mài sừng, thiếu vệ sinh khiến các sinh vật đang bị nuôi nhốt tại đây lờ đờ, thiếu sức sống… các loài thú nơi đây phải sống trong môi trường thiếu chất lượng làm cho du khách tham quan cảm thấy thất vọng.
Ảnh sưu tầm nhiều nguồn.