(trích bài Trần Quốc Bảo trong báo TG Nghệ Sĩ số 58 ra 18/3/2016)
Cách đây 10 tháng, khi nhạc sĩ Nguyễn Đức từ trần, tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ bắt tay thực hiện số báo chủ đề về sự ra đi của người sáng lập lớp nhạc Việt Nhi. Tuy đã gom góp được những bài viết nhắc nhớ kỷ niệm khá đầy đủ của các học trò của thầy Nguyễn Đức như Hoàng Oanh, Thanh Lan, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Kim Loan, Thanh Phong, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc, Tôn Nữ Mặc Giao.. nhưng người viết vẫn cảm thấy thiếu sót một người, đó là ca sĩ Phương Đại của ban Sao Băng ngày nào mà Ông đã thành lập.
Ca sĩ PHƯƠNG ĐẠI
Sau nửa ngày tìm mọi cách liên lạc, Trần Quốc Bảo đã gặp được vợ chồng ca sĩ Phương Đại tại nhà anh không xa khu Bolsa là mấy. Anh chị có 2 cháu gái, cháu lớn tên Kim Anh 51 tuổi nay sống ở Philadelphia. Cháu thứ nhì là Ái Phương 43 tuổi hiện giờ ở Cali. Căn nhà tuy nhỏ nhưng ấm cúng chan chứa tình yêu và rộn ràng tiếng cười cho dẫu những hào quang của người ca sĩ nổi danh ngày nào đã không còn chói sáng từ năm 1986, sau một tai nạn xẩy ra trên sân khấu Kim Cương.
Buổi hát nhớ đời ngày đó, tròn 30 năm về trước, Phương Đại đang đứng trình diễn tại rạp Rex, hát xong bài thứ nhất, đến bài thứ nhì.. đang hát nửa chừng, khán giả thấy âm thanh từ người ca sĩ mất hẳn.. Cứ tưởng máy móc âm thanh trở ngại.. nhưng không, hàng trăm khán giả từ phía dưới nhìn lên sân khấu chợt thấy có điều gì bất ổn với người ca sĩ.. Đôi tay anh từ từ buông thỏng chiếc micro rơi xuống đất.. thân hình chàng lảo đảo .. thế là từ phía sau màn, 2 nhân viên của Đoàn bay ra giữa sân khấu đỡ kịp Phương Đại trước khi anh ngã lăn bất tỉnh trên sân khấu. Kết quả của lần tai biến đó, anh phải ngồi xe lăn một thời gian dài.. và sau nhiều năm gặp lại, người viết thấy anh đã đi đứng và nói năng khá hơn trước rất nhiều..
Khi hỏi về kỷ niệm giữa ban Tam Ca Sao Băng và thầy Nguyễn Đức, Phương Đại nhắc nhiều đến Thanh Phong, một học trò cưng của lớp Việt Nhi từ hồi Thanh Phong còn rất bé. Đến năm 1961-1962, khi Thanh Phong tham gia vào Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, vì yêu thích lối trình diễn của Tam Ca Thăng Long, Thanh Phong rủ rê 2 người bạn trong quân đội là Phương Đại, Duy Mỹ đứng chung với nhau thành một ban Tam Ca nam. Trong phút chốc, Thanh Phong nhớ đến ông thầy Nguyễn Đức của mình, thế là 3 chàng ghé đến nhờ thầy chỉ giáo. Sau một thời gian ngắn tập luyện kỹ càng giọng chính, giọng bè.. thì 3 chàng góp mặt chung với nhau trong những chương trình của Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương với những ca khúc đầu tiên hát tam ca với nhau như Đêm Nguyện Cầu, Những Bước Chân Âm Thầm, Thôi.. Chỉ hơn 1 năm sau, bắt đầu các đại nhạc hội ở ngoài kêu, rồi các hãng dĩa mời thu băng, cùng với các đài phát thanh, truyền hình.. thế là Sao Băng nổi vọt không ai ngờ..
Một kỷ niệm cuối cùng với thầy Nguyễn Đức do chị Hường, vợ Phương Đại kể lại: “Có một kỷ niệm mà tụi này khó quên với anh Hai, đó là lần anh Phương Đại gặp tai nạn trên sân khấu năm 1986, đêm đầu đem ảnh vào Bịnh viện thì chưa ai biết, qua ngày hôm sau, anh Hai Nguyễn Đức nghe tin ai báo nên vào thẳng Bịnh viện thăm Phương Đại và nói: “Tối nay anh vào ngủ trong bịnh viện phụ em canh chừng Phương Đại nhé.. Anh thương nó quá..”.. Nói xong, khoảng 5 phút, anh Hai trải mấy miếng báo rồi nằm xuống sàn bịnh viện – ngay trong phòng cấp cứu Phương Đại.. Chỉ 2, 3 phút sau, thầy Nguyễn Đức ngáy ro ro.. “thăng” luôn.. Anh Hai nguyên đêm ngáy cho tới sáng.. (nói đến đây chị Hường và Phương Đại cười ngất)..
Đến sáng, nhiều người trong phòng cấp cứu kể lại và chọc: “Ổng vô nuôi Phương Đại rồi rốt cuộc mình phải nuôi ổng”.. Tới sáng, anh Hai giật mình dậy và hỏi: “Ủa, anh Hai ngủ hồi nào mà không hay?”.. Thì ra, đêm qua đang đi nhậu, nghe tin ai báo, anh Hai bỏ cả bàn nhậu, chạy đến bịnh viện thăm bằng được Phương Đại.. nhưng vì say quá rồi lăn quay luôn..
Giờ đây, người đã đi xa nhưng những yêu thương ngày cũ vẫn mãi còn ở lại.
Ca sĩ THANH PHONG
Ca sĩ Thanh Phong, tên thật là Đào Công Thanh. Anh sinh ngày 3 tháng 5 năm 1942 cùng tuổi với những ca nhạc sĩ, tài tử Nhật Trường, Bích Chiêu, Trần Quang, Bạch Yến, Chế Linh, Trúc Mai, Nhật Ngân, Sĩ Phú, Từ Công Phụng, Giang Tử.. Thuở nhỏ, Anh đã có khiếu về nhạc, nhà lại gần với nhạc sĩ Nguyễn Đức, nhờ một cơ duyên, nên khi lò dậy nhạc Nguyễn Đức vừa mở, cậu học trò Đào Công Thanh đã nhanh chóng ghi danh, lúc đó là năm 1952, anh mới tròn 10 tuổi. Học với thầy được vài năm, anh lại có một dịp may khác, được cộng tác với vài vũ trường lớn ở Saigon, trong đó có Olympia, và đặc biệt có nhạc sĩ Vũ Đức Tuyết chỉ dẫn rất nhiệt tình. Lúc đó, thầy Nguyễn Đức đã đặt cho anh một nghệ danh đi hát, chính là Thanh Phong. Thời gian hoạt động sôi nổi nhất, đó là lúc anh cộng tác với đoàn Văn Nghệ Bảo An (Địa Phương Quân) và Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương.. Cũng thời gian này, Thanh Phong quen được 2 giọng ca mới, đó là Phương Đại và Duy Mỹ. Cả ba đều có chất giọng hay, và khi cùng cất lên giọng hát, những ca khúc như Chúng mình 3 đứa, Gót phiêu du, Thôi, Tôi trở về thành phố.. đều được khoác lên những chiếc áo mới vô cùng sôi động. Khi được đích tai nghe 3 cậu trẻ này trình bày, chính thầy Nguyễn Đức đã đặt cho nhóm cái tên Tam Ca Sao Băng. Từ ngày đó, nhóm tam ca này trở thành một hiện tượng ăn khách vô cùng trong những lần trình diễn tại các tiền đồn, Đại Nhạc Hội, Phòng Trà.. và ngay cả nhiều lần được mời đi hát ở nước ngoài. Thời gian này, anh thỉnh thoảng viết một số ca khúc khá ăn khách như Anh buồn em thương, Hợp tan với bút hiệu Nguyễn Đào Nguyễn và theo lời anh tâm sự: Đào là họ anh, còn Nguyễn là họ của một người nữ ca sĩ mà hai người đang yêu nhau rất nhiều thời gian đó.
Sau 1975, Thanh Phong ở lại quê nhà và cộng tác với đoàn Kim Cương. Cuối tháng 4/1979, anh vượt biển và đến trại Pulau Bidong đúng ngày sinh nhật của Anh, ngày 3 tháng 5 năm 1979. Khi nghe tin anh tới đảo, Thanh Tuyền, Băng Châu, Alim Bảo là những người đón anh và mừng rỡ ôm chặt khi Thanh Phong vừa đặt chân tới cổng trại. Trên đường vượt biển, tàu anh bị hải tặc cướp nhiều lần, tài sản duy nhất mà Thanh Phong còn dấu được, đó là chiếc đồng hồ kỷ niệm Longines nhưng sau này vào trại, túng thiếu quá, Thanh Phong cũng phải cắn răng bán đi. Trên đảo, anh cũng may gặp lại T.T Thông, anh cố gắng mở cho mình một quán café nhỏ, lấy tên café Phong, ai dè làm chơi mà ăn thiệt. Dân trên đảo biết quán café của ca sĩ Thanh Phong, thế là trưa chiều sáng tối vào ủng hộ tới tấp.
Ở đảo một thời gian ngắn, Thanh Phong sang Pháp định cư. Nhờ một cơ duyên, anh sang lại một tiệm bán mè xửng sau khi được truyền nghề kỹ càng. Năm 1986 đến 1988, Anh được nhiều trung tâm như Thanh Lan, Làng Văn, Người Đẹp Bình Dương, Thanh Thúy mời thu băng rất nhiều. Các nhà sản xuất băng nhạc này còn đề nghị Anh ở lại Mỹ nhưng lúc ấy công việc làm ăn của Thanh Phong tại Pháp rất thành công nên chàng đành phải trở về. Thanh Phong có 3 cô con gái đều có khiếu về ca hát. Cô con gái lớn là Thanh Thanh, vừa đẹp, vừa hát hay hiện đi hát rất thường xuyên tại Pháp. Thanh Mỹ cũng vậy, rất giỏi âm nhạc. Cô út Thanh Vy, vẫn thỉnh thoảng đi hát và hiện sống tại San Diego (Hoa Kỳ). Một trong những ca sĩ rất thân với Thanh Phong, đó là Pauline Ngọc. Năm 1985, Anh có mở một phòng trà tại Pháp, Pauline Ngọc thường xuyên cộng tác tại đó cũng như theo lời nhà văn Hồ Trường An, thì “Pauline Ngọc và Thanh Phong cùng đi lưu diễn ở nhiều nơi trong các thành phố phụ cận kinh thành Paris và một vài nơi trên xứ Pháp”.
Hiện nay Thanh Phong sống ở Việt Nam nhiều hơn và cách đây vài ngày, thứ bẩy 12 tháng 3 năm 2016, Anh nhận lời trình diễn cùng với Sơn Tuyền, Phương Hồng Ngọc, Nam Sơn tại phòng trà We ở Saigon.
Ca sĩ DUY MỸ
Khi thực hiện số báo này, người viết có gọi phỏng vấn Tín, cậu con trai lớn của ca sĩ Duy Mỹ nhưng rất tiếc, lúc đó 9g tối, chuông đổ nhiều hồi nhưng không ai bắt. Ca sĩ Duy Mỹ có 4 người con với người vợ trước, đó là Tín, Phương, Tân và Thảo. Vài năm trước khi Anh qua đời (1995), Duy Mỹ lập gia đình với chị Hồng, một vũ công của đoàn Maxim Lưu Hồng và có một cô con gái.
Theo như một tài liệu của Hồ Trường An cho biết: “Phong trào nghe dĩa ngoại quốc để hát được nhạc ngoại quốc đã quyến rũ chàng nam sinh Duy Mỹ trước đó là học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho. Nhưng trước khi chuyển qua lãnh vực hát xướng, Duy Mỹ hợp cùng Duy Thanh và Bạch Yến thành vũ bộ Bạch Yến, chuyên ăn mặc trang phục Tây-ban-nha và vũ theo điệu múa flamenco của Tây-ban-nha. Khi Bạch Yến ly khai thì hai chàng Duy Thanh, Duy Mỹ đưa Mai Ly vào thay thế. Giọng hát của Duy Mỹ rõ và khoẻ. Khán thính giả chỉ thích anh hát những bài nhạc ngoại quốc hợp với giới trẻ chứ không thích anh hát loại nhạc cây nhà lá vườn. Anh rất trắng trẻo xinh trai, chẳng những không “bột” mà còn khôi vĩ nên rất được các khán giả nữ sinh ái mộ. Đây là giọng nam ăn khách ở phòng trà và ở sân khấu Đại nhạc hội. Có một dạo, anh cộng tác với phòng trà Tùng Lâm & Lệ Liễu ở đường Chi Lăng (Phú Nhuận), vào năm 1961 thì phải. Anh vẫn hát nhạc ngoại quốc ở đó và đôi khi cao hứng anh nhào qua đóng kịch với Tùng Lâm và Bạch Lan Thanh. Duy Mỹ về sau lập ra ban Tam Ca Sao Băng với Thanh Phong và Phương Đại.